Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Thị Thuỷ. Ảnh: Thái Hải
+ Là ngành được coi là khá vất vả, số lượng nữ giới lại có tỷ lệ thấp, công tác bình đẳng giới gặp không ít khó khăn?
Phó Tổng TTCP Lê Thị Thuỷ: Công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng là công việc rất khó khăn, phức tạp và nhạy cảm, không chỉ đối với chị em mà ngay cả đối với anh em nam giới. Nhưng được sự quan tâm của lãnh đạo, cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp của tổ chức công đoàn, Ban VSTBPN trong toàn ngành có nhiều cố gắng, cùng với sự nỗ lực của chị em, nên chị em đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, không ngừng trưởng thành và khẳng định vị thế của mình trên mọi phương diện (trong công tác cũng như trong gia đình và xã hội).
Tuy nhiên, do đặc thù của ngành nên lực lượng cán bộ nữ không nhiều, các thành viên Ban VSTBPN hoạt động kiêm nhiệm và thường phải đi công tác dài ngày, nên hoạt động của Ban chưa sâu; bên cạnh đó kinh phí hoạt động hạn chế nên cũng khó khăn trong hoạt động bình đẳng giới. Để có môi trường thuận lợi hơn cho quá trình công tác và rèn luyện, phấn đấu của chị em, Ban VSTBPN đã không ngừng được củng cố, kiện toàn và có nhiều giải pháp, cùng với sự cố gắng của mỗi thành viên để hoạt động của Ban có hiệu quả ngày càng cao hơn.
+ Trọng tâm trong công tác bình đẳng giới của ngành là gì?
Phó Tổng TTCP Lê Thị Thuỷ: Ưu tiên của Ban là tạo sự chủ động trong công tác bình đẳng giới, bảo đảm thực hiện tốt các chỉ tiêu về bình đẳng giới, tăng cường làm việc với Ban VSTBNP và bình đẳng giới của thanh tra các tỉnh, thành phố, bộ ngành trực thuộc TƯ và các cục, vụ đơn vị thuộc TTCP để giúp các Ban này hoạt động đi vào chiều sâu, có hiệu quả.
Vì vậy, từ đầu năm đến nay, Ban đã xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ tại 4 địa phương: Điện Biên, Lạng Sơn, Thái Nguyên, TP Hồ Chí Minh và 2 đơn vị thuộc TTCP. Sau khi kết thúc các cuộc kiểm tra này, Ban sẽ có các giải pháp về bình đẳng giới phù hợp với thực tế và đặc thù của ngành và tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp đó, để góp phần thực hiện tốt Kế hoạch hoạt động bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trong toàn ngành Thanh tra năm 2014 mà Tổng Thanh tra Chính phủ đã phê duyệt và chuẩn bị kế hoạch cho những năm tiếp theo.
+ Chị em rất quan tâm tới việc thực hiện các chỉ tiêu về cán bộ nữ. Ban đã có giải pháp cụ thể nào để bảo đảm thực hiện các chỉ tiêu này?
Phó Tổng TTCP Lê Thị Thuỷ: Đây đúng là nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của chị em trong ngành. Về phía Ban, chúng tôi đang tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo TTCP thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu về công tác cán bộ nữ đã được đề ra trong Kế hoạch 882/QĐ-TTCP ngày 22/4/2013 của TTCP phê duyệt kế hoạch hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ giai đoạn 2013 - 2015. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang xây dựng Kế hoạch Triển khai thực hiện Nghị định 56/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định trách nhiệm của Bộ, ngành, UBND các cấp trong việc bảo đảm cho các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tham gia quản lý Nhà nước.
Đồng thời, Ban đã chủ động tham mưu với Ban Cán sự Đảng TTCP trong công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ nữ, nhằm từng bước tăng tỷ lệ cán bộ nữ trong các đơn vị của cơ quan TTCP; chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp, Ban đang làm việc với thanh tra, các địa phương để đảm bảo tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp uỷ các cấp theo quy định.
+ Đời sống tinh thần của chị em được quan tâm như thế nào?
Phó Tổng TTCP Lê Thị Thuỷ: Nhằm tạo sự gắn kết trong cơ quan TTCP cũng như toàn ngành, năm 2013, ngoài việc tổ chức hội thảo về công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới trong toàn ngành tại các khu vực, chúng tôi còn tổ chức gặp mặt toàn thể cán bộ làm công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ trong toàn ngành tại Hà Nội. Vào các dịp kỷ niệm 8/3, 20/10, Ban đều có văn bản hướng dẫn các đơn vị trong toàn ngành tổ chức các hoạt động gặp gỡ, giao lưu cho chị em. Tại cơ quan TTCP, Ban thường xuyên phối hợp với Ban Chấp hành Công đoàn tổ chức các hoạt động như: Tổ chức gặp mặt chúc mừng chị em, tổ chức đi thăm các di tích, danh lam thắng cảnh, thi cắm hoa nghệ thuật, thi văn nghệ, tổ chức nói chuyện chuyên đề về “văn hoá tín ngưỡng”... cho toàn thể chị em vào các ngày lễ, từ đó đã tạo không khí vui tươi, phấn khởi, tăng cường đoàn kết, gắn bó trong cơ quan.
+ Nhân dịp này, đồng chí có nhắn nhủ gì tới chị em phụ nữ trong ngành Thanh tra?
Phó Tổng TTCP Lê Thị Thuỷ: Bác Hồ đã nói: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp rực rỡ”. Trong chặng đường gần 70 năm qua, đội ngũ cán bộ nữ ngành Thanh tra đã có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của ngành; nối tiếp truyền thống của các thế hệ chị em đi trước, tôi tin tưởng đội ngũ cán bộ nữ ngành Thanh tra hiện nay sẽ tiếp tục góp một phần sức lực nhỏ bé của mình vào sự phát triển chung của toàn ngành cũng như trong quá trình đổi mới, phát triển của đất nước.
Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo TTCP xin chúc chị em trong toàn ngành Thanh tra luôn khỏe, trẻ, đẹp, thành đạt và hạnh phúc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng ngành Thanh tra ngày càng vững mạnh và hoàn thành thiên chức của người phụ nữ trong gia đình.
+ Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!