Người dân huyện Gò Dầu đồng tình với việc đầu tư Khu Liên hợp để giải quyết việc làm cho con em của các hộ dân có đất bị thu hồi, tạo nhiều cơ hội để người dân xung quanh kinh doanh dịch vụ, tăng thu nhập. Ảnh: Ngọc Giang
Một trong những nội dung KN mà nhiều công dân đề cập đến là UBND tỉnh Tây Ninh vi phạm trong quá trình lập, phê duyệt dự án. Đối chiếu với quy định của pháp luật cũng như thực tiễn áp dụng các quy định do cơ quan chức năng tỉnh Tây Ninh thực hiện cho thấy căn cứ pháp lý, quy trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho Khu Liên hợp đã tuân thủ đúng chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội địa phương.
Ngày 17/11/2006, tại Nghị quyết số 31/2006/NQ-CP về xét duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2006 - 2010) của tỉnh Tây Ninh xác định có 8.810ha đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sang đất phi nông nghiệp.
Tháng 1/2008, UBND tỉnh Tây Ninh ban hành Quyết định số 02/2008/QĐ-UBND quy hoạch phát triển công nghiệp địa phương đến năm 2010, có xét đến năm 2020.
Ngày 23/4/2008, Thủ tướng Chính phủ có Văn bản 595/TTg-KCN điều chỉnh, bổ sung các khu công nghiệp của tỉnh Tây Ninh vào quy hoạch phát triển khu công nghiệp của Việt Nam. Theo đó, Khu Liên hợp có quy mô diện tích 2.850ha, cho phép thực hiện chính sách thu hồi đất tương tự như đã áp dụng với các khu công nghiệp.
Trên cơ sở pháp lý này, ngày 10/6/2008, UBND tỉnh Tây Ninh có Văn bản 2187/UBND-KTTH về chủ trương thu hồi đất để xây dựng Khu Liên hợp.
Tiếp đó, ngày 29/8/2008, UBND tỉnh Tây Ninh có Văn bản 3021/UBND-KTTH về thỏa thuận địa điểm Khu Liên hợp cùng một số hạng mục liên quan.
Đến ngày 19/11/2008, UBND tỉnh Tây Ninh có Quyết định số 2698/QĐ-UBND phê duyệt Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu Liên hợp, chủ đầu tư là Cty Cổ phần (CP) Đầu tư Sài Gòn VRG (thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam).
Ngày 29/12/2008, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Tây Ninh cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 452210000126 cho Cty CP Đầu tư Sài Gòn VRG. Phương án tổng thể bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để giải phóng mặt bằng thuộc địa bàn 2 huyện Gò Dầu, Trảng Bàng cũng được UBND tỉnh Tây Ninh phê duyệt tại Quyết định số 585/QĐ-UBND, ngày 2/4/2009. Đối với diện tích đất Khu công nghiệp 2.200ha cũng được UBND tỉnh Tây Ninh quyết định thành lập ngày 30/7/2009 là bộ phận của Khu Liên hợp.
Đánh giá rõ hơn, nhiều chuyên gia pháp lý khẳng định: Thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với Khu Liên hợp đã được cơ quan chức năng thực hiện đúng Khoản 1, Điều 37 Luật Đất đai 2003. Giai đoạn thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây dựng Khu Liên hợp là 2008 - 2009 nên không chịu sự điều chỉnh của Nghị định 42/2012/NĐ-CP ngày 11/5/2012 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa. Do đó, Quyết định số 2026/QĐ-UBND ngày 30/9/2009 của UBND tỉnh Tây Ninh về thu hồi 2.851ha đất tại các xã: Gia Lộc, Lộc Hưng, Đôn Thuận (huyện Trảng Bàng), các xã: Phước Đông, Bàu Đồn (huyện Gò Dầu) là phù hợp quy định pháp luật.
Trong báo cáo mới nhất gửi Thanh tra Chính phủ về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thị Thu Thủy khẳng định: Khu Liên hợp là một trong các dự án trọng điểm của địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho nhân dân. Hiện nay, Khu Liên hợp đã thu hút được 12 dự án với tổng số vốn đăng ký hơn 1,26 tỷ USD, thu hút và giải quyết việc làm cho hơn 10.000 lao động, trong đó có 750 lao động là con em của các hộ dân có đất bị thu hồi, tạo nhiều cơ hội để người dân xung quanh kinh doanh dịch vụ, tăng thu nhập cho nhân dân các xã của 2 huyện Trảng Bàng, Gò Dầu.
Kỳ II: Đền bù đúng phương án, điều chỉnh đúng chỉ đạo của Thủ tướng