Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Phạm Văn Xuyên phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đan Quế
Dự hội nghị có ông Phạm Văn Xuyên- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, ông Nguyễn Hồng Điệp- Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch Phạm Văn Xuyên khẳng định: Hội nghị là cơ hội tốt nhất để giám đốc, cán bộ các sở, ngành, các ban, ngành đoàn thể, toàn thể cán bộ của ngành Thanh tra tỉnh Thái Bình, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn lắng nghe, chia sẻ các kinh nghiệm, hướng dẫn về tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Ông Xuyên cũng đề nghị sau hội nghị, cán bộ làm công tác tiếp công dân của Thái Bình phải áp dụng để nghiên cứu kỹ đơn thư để tham mưu, giải quyết kịp thời, tránh tình trạng vòng vo, gây phiền hà cho dân; Chủ động nắm tình hình, giải quyết từ cơ sở, tránh tình trạng móc nối, kết nối với nhau.
Ông Xuyên cũng chia sẻ, ở Thái Bình hiện có tình trạng “đi kiện thuê”, mượn công dân của nơi khác để tạo thành đoàn đông người, gây áp lực với cơ quan Nhà nước. Để kịp thời xử lý những dấu hiệu phức tạp đó, Thanh tra tỉnh cần khẩn trương rà soát lại việc thành lập Ban Tiếp công dân, củng cố cán bộ, cơ sở vật chất; Thường xuyên trao đổi với Ban Tiếp công dân các cấp để thực hiện tốt nhiệm vụ tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Uốn nắn kịp thời những thiếu sót trong công tác này.
Cũng chia sẻ về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, ông Xuyên khẳng định, ở Thái Bình hiện nay, Đoàn Đại biểu Quốc hội, các tổ chức đoàn thể phối hợp rất tốt với cơ quan chức năng trong việc giám sát thực hiện các qui định của Luật Tiếp công dân, các văn bản hướng dẫn thi hành. Do vậy, thời gian tới, cần tăng cường để tiếp tục phát huy hiệu quả của công tác giám sát.
Phó Chủ tịch cũng đề nghị các cán bộ tham dự hội nghị tập trung nghe hướng dẫn của báo cáo viên; chia sẻ các vướng mắc để tìm hướng giải quyết, kể cả bằng hình thức gửi văn bản lên Ban Tiếp công dân Trung ương. Thanh tra tỉnh tiếp tục phối hợp với các cơ quan truyền thông, tuyên truyền tốt pháp luật về tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và quá trình triển khai thực hiện các văn bản pháp luật về lĩnh vực này.
Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đan Quế
Tại hội nghị, sau khi quán triệt Luật Tiếp công dân, Nghị định 64/2014/NĐ-CP qui định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiếp công dân, ông Nguyễn Hồng Điệp dành phần lớn thời gian để tập huấn nghiệp vụ công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đặc biệt, chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong việc tiếp công dân gắn với giải quyết khiếu nại, tố cáo từ thực tiễn tiếp dân của Ban Tiếp công dân Trung ương.
Ông Điệp cũng nhắc nhở nhiều “lỗi” cần tránh của cán bộ tiếp công dân trong việc tiếp các đoàn đông người, tiếp đoàn liên quan đến tôn giáo, trong ứng xử với công dân khi tiếp dân...
Trước hội nghị, Thanh tra tỉnh Thái Bình đã triệu tập 500 cán bộ, chuẩn bị 500 cuốn tài liệu về Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành; 9.000 tờ gấp về 3 bộ luật nói trên, gửi đến từng thôn để phổ biến cho người dân. |