Chuyên gia quốc tế chia sẻ những kinh nghiệm quý về công tác phòng, ngừa tham nhũng tại Hội thảo. Ảnh: Phương Hiếu
Kết quả của hội thảo sẽ được tổng hợp để hoàn thiện các báo cáo trình bày tại Đối thoại PCTN lần thứ 13, tổ chức ngày 26/11 tới.
Tài sản bị thiệt hại, thất thoát hàng nghìn tỷ đồng
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và Kiểm sát điều tra án tham nhũng, Viện KSND Tối cao Trương Minh Mạnh, thực tiễn những năm qua cho thấy, tội phạm tham nhũng đã gây hậu quả, thiệt hại lớn. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế bị phá sản, giải thể. Chỉ tính riêng các vụ án tội phạm tham nhũng do các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương điều tra, truy tố thì số tiền, tài sản bị tham ô, chiếm đoạt là hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng; số tiền, tài sản bị thiệt hại, thất thoát là hàng nghìn tỷ đồng, dẫn đến các dự án đầu tư thua lỗ.
Trong nhiều vụ án tội phạm về tham nhũng, với động cơ vụ lợi hoặc để tham ô tài sản, người phạm tội đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng, trong đó có vụ án tham nhũng xảy ra tại Công ty Cho thuê tài chính II (ALCII) thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, chỉ tính riêng trong 1 vụ án, các bị can đã tham ô trên 79 tỉ đồng và làm trái quy định gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước trên 390 tỉ đồng.
Các vụ án này có số tài sản bị thiệt hại, thất thoát hoặc chiếm đoạt rất lớn song số tài sản mà cơ quan chức năng thu hồi được còn rất hạn chế. Số tiền, tài sản mà toà án tuyên phạt các bị cáo phải bồi thường rất lớn nhưng thực tế khả năng thi hành án, thu hồi số tiền này là không nhiều và phải thực hiện trong nhiều năm.
Theo thống kê của Viện KSND Tối cao, từ 1/10/2010 đến 30/4/2013, tổng giá trị tài sản tham nhũng và thiệt hại do tham nhũng gây ra là trên 17 nghìn tỷ đồng, nhưng tổng giá trị tài sản thu hồi được chỉ gần 5 nghìn tỉ đồng.
|
Cũng theo ông Mạnh, việc điều tra, phát hiện và xác định tài sản bị chiếm đoạt hoặc thiệt hại do tham nhũng gây ra chưa đầy đủ so với thực tế hoặc có xác định được tài sản, tiền bị tham ô chiếm đoạt nhưng không thu giữ được. Việc điều tra, giám định hậu quả thiệt hại cũng gặp nhiều khó khăn, kéo dài, việc kê biên tài sản để đảm bảo việc thi hành án, thu hồi tài sản cũng gặp nhiều khó khăn.
Ông Mạnh cũng đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm và thu hồi tài sản tham nhũng như tập trung hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và chính sách hình sự, khắc phục những hạn chế trong công tác đấu tranh PCTN hiện nay; chú trọng triển khai một cách thực chất và có hiệu quả việc kê khai tài sản, thu nhập; tăng cường năng lực, trách nhiệm của các cơ quan chuyên trách đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng; tăng cường cơ chế giám sát từ bên ngoài đối với công tác đấu tranh PCTN...
Nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm và thu hồi tài sản tham nhũng được đưa ra tại hội thảo. Ảnh: Phương Hiếu
Chưa hình sự hóa tội phạm tham nhũng trong khu vực tư nhân
Trình bày tham luận về vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng theo khuôn khô công ước liên hợp quốc về chống tham nhũng, một số vấn đề đặt ra đối với Việt Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Quốc tế, Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú cho biết, thu hồi tài sản tham nhũng là vấn đề phức tạp, kỹ thuật đặc biệt từ góc độ pháp luật quốc tế và pháp luật trong nước, bởi quy định về tội phạm tham nhũng theo pháp luật hình sự Việt Nam hiện hành vẫn còn khoảng trống so với phạm vi điều chỉnh của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC), đặc biệt là chưa hình sự hóa được các tội phạm tham nhũng trong khu vực tư nhân, chưa ưu tiên cao yêu cầu thu hồi tài sản.
Hiện nay, Việt Nam đã đưa ra bảo lưu đối với quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân, hành vi làm giàu bất hợp pháp trong UNCAC. Tuy nhiên, trên thực tế, những nội dung này nếu không được quy định trong pháp luật Việt Nam sẽ khó có thể tạo thành một khuôn khổ pháp lý toàn diện, đồng bộ và hiệu quả cho công tác PCTN và thu hồi tài sản.
Cũng theo ông Tú, cách tiếp cận hiện nay của Việt Nam về xử lý tham nhũng - tội phạm liên quan đến cả yếu tố chức vụ và tài sản, kinh tế mới tập trung vào xử lý người phạm tội dưới góc độ hình sự mà chưa ưu tiên thu hồi tài sản dưới góc độ kinh tế. Bên cạnh đó, chưa có một cơ chế phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong hoạt động thu hồi tài sản tham nhũng, trong đó xác định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của từng cơ quan tham gia.
Ông Tú cũng đưa ra những đề xuất như cần hoàn thiện thể chế trong nước để tạo cơ sở pháp lý đảm bảo việc thực hiện hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng, trong đó, quy định rõ thẩm quyền, trình tự, thủ tục cụ thể để thu hồi tài sản tham nhũng có ý nghĩa quan trọng; hoàn thiện về tổ chức bộ máy, cơ chế phối hợp để thực hiện các yêu cầu về thu hồi tài sản tham nhũng; tăng cường thực thi pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng và chuẩn bị, thực hiện hoạt động rà soát, đánh giá thực thi Công ước theo Nghị quyết về cơ chế đánh giá của Hội nghị các quốc gia thành viên Công ước.
Tại hội thảo, một số chuyên gia quốc tế cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm quý của quốc tế, cũng như những khuyến nghị phù hợp với điều kiện của Việt Nam nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng.
Từ năm 2007 đến 2011 có 451 cán bộ, công chức nộp lại quà tặng với tổng giá trị gần 1,8 tỉ đồng. Năm 2013 có 364 cán bộ, công chức, chiến sĩ công an không nhận quà tặng, nộp và trả lại quà trị giá 178 triệu đồng. Năm 2014 có 32 trường hợp nộp lại quà tặng trị giá 791 triệu đồng. Bộ Tài chính cũng ghi nhận có 12 trường hợp nộp lại quà tặng trị giá 118 triệu đồng.
|