Tác giả :

QUY CHẾ

Phối hợp trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại,

giải quyết tố cáo của các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo

(Ban hành kèm theo Quyết định số 40/QĐ-BGDĐT ngày 07 tháng 01 năm 2016

của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

--------------------------------

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

 Quy chế này quy định nguyên tắc phối hợp, hình thức phối hợp, nội dung phối hợp và việc tổ chức thực hiện phối hợp giữa các vụ, cục, Thanh tra, Văn phòng, Cơ quan đại diện của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Thành phố Hồ Chí Minh (gọi chung là các đơn vị) trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo.

Điều 2. Mục đích phối hợp

1. Xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra thống nhất, có trọng tâm, trọng  điểm, tránh chồng chéo, phù hợp với yêu cầu quản lý và có tính khả thi.

2. Kịp thời xử lý các thông tin, phản ánh dấu hiệu vi phạm pháp luật về giáo dục của tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo; các hành vi vi phạm quy định về việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ  của cán bộ, công chức, viên chức thuộc trách nhiệm quản lý trực tiếp của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

3. Triển khai hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo bảo đảm thời gian, nội dung theo quy định pháp luật.

4. Tăng cường trách nhiệm của các đơn vị; góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Bộ ngày càng vững mạnh.

Điều 3. Nguyên tắc phối hợp

1. Tuân thủ pháp luật về thanh tra, khiếu nại, tố cáo; chế độ bảo mật thông tin, hồ sơ; bảo đảm đúng chức năng, nhiệm vụ được phân công của từng đơn vị.

2. Phối hợp chặt chẽ giữa hoạt động thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành với hoạt động kiểm tra của các đơn vị.

3. Thường xuyên, liên tục, kịp thời, hiệu quả.

Điều 4. Đơn vị chủ trì, đơn vị tham gia phối hợp

1. Thanh tra

a) Chủ trì xây dựng kế hoạch thanh tra, tổ chức hoạt động thanh tra, theo dõi, đôn đốc thực hiện kết luận thanh tra theo quy định của pháp luật về thanh tra;

b) Chủ trì hoặc tham gia thực hiện nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo theo quy định tại Thông tư số 40/2013/TT-BGDĐT ngày 18/12/2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo.

2. Các đơn vị

a) Tham gia xây dựng kế hoạch thanh tra, thực hiện việc thanh tra, theo dõi, đôn đốc thực hiện kết luận thanh tra theo quy định tại Quy chế này và các quy định pháp luật có liên quan;

b) Chủ trì hoặc tham gia thực hiện nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo theo quy định tại Thông tư số 40/2013/TT-BGDĐT ngày 18/12/2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo.

3. Các đơn vị chủ trì có trách nhiệm chủ động đề xuất nội dung, hình thức, thời gian phối hợp trong hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo; làm đầu mối tổ chức thực hiện việc phối hợp và chịu trách nhiệm chung về kết quả công việc.

Đơn vị tham gia có trách nhiệm đáp ứng yêu cầu của đơn vị chủ trì và chịu trách nhiệm về kết quả tham gia.

Điều 5. Hình thức phối hợp

Việc phối hợp của các đơn vị được thực hiện theo các hình thức sau:

1. Đơn vị chủ trì tổ chức họp với đơn vị tham gia phối hợp hoặc có văn bản đề nghị đơn vị tham gia phối hợp cử người hoặc cung cấp thông tin.  

2. Đơn vị tham gia phối hợp cử cán bộ để đơn vị chủ trì tập hợp, tham mưu thành lập các đoàn thanh tra, tổ xác minh giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo.  

3.  Đơn vị tham gia phối hợp chủ động cung cấp thông tin, tài liệu khi xây dựng kế hoạch thanh tra hàng năm, kế hoạch tiến hành các cuộc thanh tra cụ thể và kế hoạch xác minh giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo; đóng góp ý kiến bằng văn bản về  nội dung thanh tra, dự thảo các kết luận thanh tra, kết luận nội dung tố cáo, quyết định giải quyết khiếu nại.

Chương II

NỘI DUNG PHỐI HỢP

Điều 6. Phối hợp xây dựng kế hoạch công tác thanh tra hằng năm

1. Căn cứ Định hướng thanh tra của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ  có văn bản đề nghị các đơn vị đề xuất đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra trong năm tiếp theo trước ngày 01/11 hằng năm.

2. Căn cứ vào yêu cầu thực hiện nhiệm vụ quản lý, kết quả kiểm tra thuộc lĩnh vực phụ trách, các đơn vị gửi đề xuất đối tượng cần thanh tra, nội dung, thời gian thanh tra trong năm tiếp theo về Thanh tra Bộ trước ngày 05/11 hằng năm.

3. Thanh tra Bộ tổng hợp đề xuất của các đơn vị, chủ trì xây dựng kế hoạch công tác thanh tra hằng năm trình Bộ trưởng phê duyệt trước ngày 15/11 hằng năm.

Điều 7. Phối hợp xây dựng kế hoạch thanh tra đột xuất, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo

1. Khi nhận được thông tin, phản ánh về các nội dung nêu tại Khoản 2 Điều 2 Quy chế này, các đơn vị có tờ trình lãnh đạo Bộ phụ trách đề xuất hình thức xử lý thích hợp và thông báo cho Thanh tra biết tình hình và kết quả (trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều này).

2. Trường hợp lãnh đạo Bộ chỉ đạo tiến hành thanh tra đột xuất thì đơn vị gửi toàn bộ tài liệu, bằng chứng liên quan đến Thanh tra Bộ để xây dựng kế hoạch thanh tra đột xuất.

3. Trường hợp thông tin, phản ánh có nội dung khiếu nại, tố cáo thì đơn vị xử lý theo quy định tại Thông tư số 40/2013/TT-BGDĐT ngày 18/12/2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo và thông báo cho Thanh tra Bộ biết để theo dõi, phối hợp.

Điều 8. Phối hợp ban hành quyết định thanh tra, quyết định thụ lý giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo

1. Ban hành quyết định thanh tra

a) Căn cứ kế hoạch thanh tra hằng năm hoặc ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ về thanh tra đột xuất, Thanh tra dự kiến kế hoạch tổ chức thanh tra đối với từng vụ việc cụ thể. Trường hợp cần thiết, Thanh tra tổ chức thu thập thông tin, tài liệu, nắm tình hình về đối tượng thanh tra và trình lãnh đạo Bộ phụ trách lĩnh vực phê duyệt kế hoạch;

b) Căn cứ kế hoạch tổ chức thanh tra, Thanh tra có văn bản đề nghị các đơn vị cử người tham gia đoàn thanh tra. Trường hợp khẩn cấp, văn bản đề nghị được gửi đến đơn vị  sau khi Chánh Thanh tra áp dụng các hình thức đề nghị khác như: điện thoại trực tiếp, gửi tin nhắn, e-mail;

c) Các đơn vị cử cán bộ có tinh thần trách nhiệm, trình độ chuyên môn tốt, am hiểu các vấn đề liên quan đến nội dung và đối tượng thanh tra theo đề nghị của Chánh thanh tra;

d) Chánh Thanh tra ban hành quyết định thanh tra; trường hợp cần thiết trình lãnh đạo Bộ ban hành quyết định thanh tra.

2. Ban hành quyết định thụ lý giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo

a) Căn cứ yêu cầu giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo, đơn vị chủ trì có văn bản đề nghị các đơn vị liên quan cử người tham gia tổ xác minh;

b) Các đơn vị cử cán bộ có tinh thần trách nhiệm, trình độ chuyên môn tốt, am hiểu các vấn đề liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo theo đề nghị của đơn vị chủ trì;

c) Đơn vị chủ trì soạn thảo quyết định thụ lý và thành lập tổ xác minh trình lãnh đạo Bộ ký ban hành theo quy định.

Chánh Thanh tra ban hành quyết định xác minh trong trường hợp lãnh đạo Bộ giao hoặc vụ việc liên quan đến thẩm quyền của Chánh Thanh tra Bộ.

Điều 9. Phối hợp xây dựng kế hoạch tiến hành thanh tra, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo

1. Căn cứ quyết định thanh tra, quyết định thụ lý giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo, Trưởng đoàn thanh tra, Tổ trưởng tổ xác minh xây dựng kế hoạch tiến hành thanh tra, kế hoạch xác minh khiếu nại, kế hoạch xác minh nội dung tố cáo trình người ra quyết định thanh tra hoặc người ra quyết định thụ lý giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo phê duyệt.

2. Trường hợp cần thiết, Trưởng đoàn thanh tra, Tổ trưởng tổ xác minh xin ý kiến các đơn vị liên quan trước khi trình duyệt kế hoạch tiến hành thanh tra, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo.

Kế hoạch tiến hành thanh tra, kế hoạch giải quyết khiếu  nại, giải quyết tố cáo được gửi cho Chánh Thanh tra và Thủ trưởng các đơn vị liên quan để phối hợp theo dõi thực hiện.

3. Trưởng đoàn thanh tra, Tổ trưởng tổ xác minh đề xuất các điều kiện đảm bảo về kinh phí, phương tiện và điều kiện cần thiết khác để tiến hành thanh tra, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo theo quy định.

Điều 10. Phối hợp trong quá trình thanh tra, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo.

1. Người ra quyết định thanh tra hoặc Trưởng đoàn thanh tra, Tổ trưởng tổ xác minh đề nghị các tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, chứng cứ  liên quan đến nội dung thanh tra, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo. Các tổ chức, cá nhân gửi đoàn thanh tra, tổ xác minh các thông tin, chứng cứ (nếu có) trong vòng 7 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị; trường hợp khẩn cấp thì gửi thông tin, chứng cứ đáp ứng yêu cầu của đoàn thanh tra hoặc tổ xác minh.

2. Khi cần thiết, người ra quyết định thanh tra hoặc Trưởng đoàn thanh tra, Tổ trưởng tổ xác minh đề nghị các đơn vị, cá nhân tham gia ý kiến về một số nội dung cụ thể liên quan đến yêu cầu giải quyết, báo cáo kết quả thanh tra, báo cáo giải quyết khiếu nại, báo cáo kết quả xác minh nội dung tố cáo hoặc dự thảo kết luận thanh tra, dự thảo quyết định giải quyết khiếu nại, dự thảo kết luận nội dung tố cáo. Các đơn vị, cá nhân được xin ý kiến phải nghiên cứu kỹ văn bản, cho ý kiến theo đề nghị, đúng thời hạn và chịu trách nhiệm về thông tin cung cấp.

Điều 11. Phối hợp xử lý sau thanh tra, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo

1. Căn cứ kết luận thanh tra, kết luận nội dung tố cáo, quyết định giải quyết khiếu nại, Chánh Thanh tra hoặc Thủ trưởng đơn vị chủ trì giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo có văn bản đề xuất lãnh đạo Bộ phụ trách biện pháp, cách thức xử lý liên quan đến nội dung thuộc trách nhiệm tham mưu xử lý của đơn vị.

2. Căn cứ văn bản đã được phê duyệt, các đơn vị chủ động thực hiện nhiệm vụ, báo cáo lãnh đạo Bộ phụ trách và gửi kết quả xử lý về Thanh tra để tổng hợp.

3. Trường hợp cần thiết, Thanh tra đề nghị các đơn vị cử người để thành lập hoặc trình Lãnh  đạo Bộ thành lập Tổ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo.

Điều 12. Xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra với kiểm tra

1. Khi xây dựng kế hoạch kiểm tra, các đơn vị cần tham khảo kế hoạch thanh tra. Trường hợp có sự chồng chéo về đối tượng, nội dung, thời gian thì báo cáo lãnh đạo Bộ quyết định cụ thể, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều này.

2. Khi có kế hoạch kiểm tra đột xuất theo yêu cầu của lãnh đạo Bộ, các đơn vị thực hiện và thông báo cho Thanh tra biết để điều chỉnh kế hoạch thanh tra phù hợp.

3. Trường hợp phát hiện việc chồng chéo về đối tượng, nội dung ngay trước thời điểm tiến hành thanh tra hoặc kiểm tra thì Thanh tra chủ trì trao đổi với các đơn vị, thống nhất điều chỉnh kế hoạch, báo cáo lãnh đạo Bộ xem xét, quyết định.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 13. Kinh phí

1. Thanh tra lập dự toán kinh phí tổ chức các hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo do Thanh tra chủ trì và thực hiện chi theo quy định.

2. Các đơn vị lập dự toán kinh phí phục vụ hoạt động giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo do đơn vị chủ trì và thực hiện chi theo quy định.

Điều 14. Trách nhiệm của Thanh tra

1. Làm đầu mối tổ chức thực hiện các nội dung nêu tại Chương 2 Quy chế này.

2. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ thanh tra, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo và xây dựng đội ngũ cộng tác viên thanh tra đối với các đơn vị trực thuộc Bộ.

3. Chi trả chế độ cho các cộng tác viên thanh tra và kinh phí thực hiện nhiệm vụ thanh tra; nhận xét về việc tham gia thanh tra, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo của công chức thuộc các đơn vị; đề xuất khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo.

3. Định kỳ hàng năm tổ chức họp với các đơn vị để tổng kết tình hình, báo cáo Bộ trưởng kết quả phối hợp.

Điều 15. Trách nhiệm của các đơn vị

1. Trách nhiệm chung

a) Tổ chức quán triệt và thực hiện việc phối hợp với Thanh tra theo Quy chế này và quy định có liên quan; kịp thời đề xuất những giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc trong hoạt động phối hợp thanh tra, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo;

b) Chuyển Thanh tra Bộ các kế hoạch kiểm tra, báo cáo kết quả kiểm tra ngay sau khi phát hiện các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật quy định tại Khoản 2 Điều 2 Quy chế này;

c) Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm tra theo chức năng, nhiệm vụ được giao, các đơn vị cần kịp thời kiến nghị tiến hành thanh tra khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc thấy cần thiết;

d) Tạo điều kiện cho cán bộ tham gia đoàn thanh tra, tổ xác minh giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo làm việc liên tục theo kế hoạch thanh tra, kế hoạch xác minh giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo.

2. Trách nhiệm cụ thể của một số đơn vị

a) Vụ Kế hoạch tài chính

- Ưu tiên phân bổ và giao dự toán ngân sách đảm bảo cho hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo theo quy định.

- Phối hợp với Thanh tra trong việc xử lý vấn đề liên quan đến tài chính, kế toán trong quá trình thanh tra, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo và xử lý sau thanh tra.

b) Văn phòng Bộ

- Ưu tiên đảm bảo phương tiện phục vụ cho hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo.

- Kịp thời hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động Thanh tra đột xuất, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo.

c) Vụ Thi đua - Khen thưởng

Trình Bộ trưởng quyết định khen thưởng theo định kỳ hoặc đột xuất đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo đề nghị của Thanh tra Bộ.

d) Cơ quan đại diện Bộ Giáo dục và  Đào tạo tại Thành Phố Hồ Chí Minh

- Cung cấp thông tin thường xuyên cho Thanh tra Bộ về tình hình giáo dục của các tỉnh khu vực phía Nam để xây dựng kế hoạch thanh tra.

- Tạo điều kiện trong công tác cho Phòng Thanh tra phía Nam, các đoàn thanh tra, tổ xác minh khiếu nại, tố cáo tại các tỉnh phía Nam.

Góp ý
Họ và tên: *  
Email: *  
Tiêu đề: *  
Mã xác nhận:
RadEditor - HTML WYSIWYG Editor. MS Word-like content editing experience thanks to a rich set of formatting tools, dropdowns, dialogs, system modules and built-in spell-check.
RadEditor's components - toolbar, content area, modes and modules
   
Toolbar's wrapper  
Content area wrapper
RadEditor's bottom area: Design, Html and Preview modes, Statistics module and resize handle.
It contains RadEditor's Modes/views (HTML, Design and Preview), Statistics and Resizer
Editor Mode buttonsStatistics moduleEditor resizer
 
 
RadEditor's Modules - special tools used to provide extra information such as Tag Inspector, Real Time HTML Viewer, Tag Properties and other.
   
 *

© 2014, Phòng Thanh Tra - Pháp Chế
Trường Đại Học Sư Phạm Kỹ Thuật - TPHCM

Địa chỉ: 1 Võ Văn Ngân, Phường Linh Chiểu, TP. Thủ Đức, Thành Phố Hồ Chí Minh.

Điện thoại: (08) 37221223 (nhánh 48180)

Website : aio.hcmute.edu.vn E-mail: pttpc@hcmute.edu.vn

Truy cập tháng: 6,553

Tổng truy cập:13,617