Hội thảo về xây dựng Chiến lược phát triển ngành Thanh tra
Ngày 29/5/2015, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đã chủ trì Hội thảo xây dựng chiến lược phát triển ngành Thanh tra đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2035. Dự và đồng chủ trì hội thảo có các Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Hào, Trần Đức Lượng. Tham dự hội thảo là các giáo sư, tiến sỹ, chuyên gia cùng đại diện thanh tra một số bộ, ngành, địa phương.
Phát biểu tại Hội thảo Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh – Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng Chiến lược cho biết, việc xây dựng Chiến lược nhằm hướng đến mục tiêu xác lập địa vị pháp lý của các cơ quan thanh tra phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; tăng cường tính tập trung, thống nhất, chủ động và tự chịu trách nhiệm trong tổ chức và hoạt động của ngành Thanh tra; xây dựng ngành Thanh tra, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thanh tra chuyên nghiệp, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính.
Tổng Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh, ngành Thanh tra được thành lập đến nay đã tròn 70 năm. Trải qua quá trình hình thành và phát triển, Ngành luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần tích cực và có hiệu quả vào công cuộc xây dựng và đổi mới của đất nước. Các cơ quan thanh tra đã tiến hành hàng vạn cuộc thanh tra trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội qua đó phát hiện những bất cập, hạn chế trong quản lý.
Song, trong giai đoạn hiện nay với sự phát triển của nền kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, đặc biệt là trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, công tác thanh tra đã bộc lộ những hạn chế, bất cập cả về tổ chức và hoạt động, thiếu những cơ sở pháp lý đảm bảo cho hoạt động thanh tra có hiệu quả do đó chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước trong tình hình mới. Để khắc phục những hạn chế, yếu kém trong hoạt động thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng đã đến lúc cần có nhận thức mới về vị trí, vai trò của công tác thanh tra; về chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức thanh tra trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền định hướng xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lực nhà nước theo tinh thần Hiến pháp mới.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, các cơ quan thanh tra vẫn được tổ chức theo mô hình cũ, không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, vì vậy tổ chức bộ máy cần được thiết kế theo ngành dọc. Về lâu dài cần nghiên cứu mô hình kết hợp giữa cơ quan thanh tra với cơ quan kiểm tra của Đảng.
Hiện nay vị trí, vai trò của các cơ quan thanh tra vẫn được thiết kế là cơ quan tham mưu, giúp việc của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước nên tính độc lập chưa cao. Do đó, về dài hạn cần nghiên cứu vị trí của cơ quan thanh tra đảm bảo tính độc lập, khách quan trong việc kiểm soát quyền lực nhà nước. Đồng thời, vai trò của cơ quan thanh tra cần được thể hiện trong việc quản lý nhà nước và phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động thanh tra. Do vậy, cần thành lập một cơ quan chống tham nhũng đủ mạnh, độc lập thể hiện chức năng phát hiện và xử lý tham nhũng.
Dự thảo Chiến lược xây dựng và phát triển ngành Thanh tra được thực hiện qua 3 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất: được xác định từ nay đến năm 2020 với mục tiêu thực hiện tốt các quy định về chức năng, nhiệm vụ của ngành Thanh tra, đặc biệt là về đẩy mạnh công tác thanh tra trách nhiệm và đấu tranh chống tham nhũng và xử lý sau thanh tra.
Giai đoạn hai: từ năm 2021 đến 2025 thực hiện những đổi mới căn bản của ngành Thanh tra, cụ thể là cần xác định đổi mới căn bản về tổ chức và hoạt động của các cơ quan thanh tra. Các cơ quan thanh tra theo cấp hành chính được đặt dưới sự lãnh đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chuyển mạnh sang thanh tra cấp bảo đảm tính tập trung, thống nhất trong toàn ngành. Cơ quan thanh tra chuyên ngành gắn liền với quản lý, phục vụ cho công tác quản lý ngành, lĩnh vực.
Giai đoạn ba: từ năm 2026 – 2035 tập trung thực hiện thống nhất về tổ chức, hoạt động của các cơ quan thanh tra từ Trung ương tới địa phương trên cơ sở sáp nhập giữa cơ quan thanh tra và cơ quan kiểm tra của Đảng.
Trên cơ sở phân chia các giai đoạn cụ thể như trên, Dự thảo Chiến lược đã xây dựng các nhóm nhiệm vụ và giải pháp phát triển ngành Thanh tra theo phương pháp tiếp cận về tăng cường năng lực tổ chức nói chung dựa trên 05 trụ cột chính và được xác định cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển bao gồm: Nâng cao vị trí, vai trò của ngành Thanh tra; kiện toàn tổ chức bộ máy; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; đổi mới công tác cán bộ; và tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật cho các cơ quan thanh tra nhà nước. Theo đó, ngoài việc góp phần đạt được mục tiêu của mỗi giai đoạn, các nhiệm vụ và giải pháp tương ứng còn phải góp phần chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong giai đoạn kế tiếp và góp phần vào việc đạt được mục tiêu chung.
Tại Hội thảo nhiều đại biểu nhất trí mục tiêu Chiến lược thể hiện tinh thần cơ bản của các quy định nhà nước, thể hiện được tinh thần Hiến pháp 2013. Cũng nhiều ý kiến đề nghị cần phân tích sâu, sát hơn, rõ hơn kể cả về giải pháp, lộ trình xây dựng Chiến lược ngành Thanh tra; đề nghị xác định rõ mô hình của hệ thống các cơ quan thanh tra trước mắt và lâu dài và có vai trò gì trong đời sống pháp lý sau Hiến pháp 2013; việc nâng cao vị trí, vai trò, thẩm quyền của ngành Thanh tra trong ra sao làm sao có hiệu lực, hiệu quả. Bên cạnh đó, cũng có đại biểu cho rằng phạm vi, nội dung Chiến lược chỉ quan tâm đến thanh tra cấp hành chính chứ chưa thể hiện toàn diện thanh tra chuyên ngành, thanh tra nhân dân.
Phát biểu kết thúc hội thảo, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đánh giá cao các ý kiến của các đại biểu tham dự, đồng thời đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu tiếp thu các ý kiến, chỉnh sửa, bổ sung sớm hoàn thiện Dự thảo để trình Thủ tướng Chính phủ vào cuối năm 2015./.
Thanh Loan