Thời gian qua, các cơ quan chức năng của Bộ GD&ĐT đã phối hợp đồng bộ trong việc giải quyết đơn thư KNTC thuộc thẩm quyền. Các kết luận nội dung TC được thụ lý kịp thời, được dư luận đồng tình ủng hộ. Ảnh: Thế Lữ
Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã thực hiện 4 cuộc thanh tra hành chính theo kế hoạch. Hiện đã ban hành 1 Kết luận thanh tra; 3 cuộc đang hoàn thiện báo cáo và kết luận theo quy trình.
Về thanh tra chuyên ngành, đã thực hiện 18 cuộc. Các đối tượng bị thanh tra là 19 sở GD&ĐT, 6 tỉnh và các hội đồng tuyển chọn học sinh giỏi dự thi Olympic, Ban Tổ chức Cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc gia năm 2014, Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020; 197 cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng.
Những lĩnh vực thanh tra chủ yếu là mua sắm, sử dụng, bảo quản thiết bị dạy học giáo dục phổ thông; thanh tra hoạt động đào tạo có yếu tố nước ngoài; thanh tra công tác tuyển sinh sau đại học đợt 2 năm 2014; thanh tra công tác coi thi, chấm thi kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy 2014...
Qua thanh tra đã kịp thời ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực trong kỳ thi và xử lý trường hợp vi phạm; kịp thời chấn chỉnh, xử lý các sai phạm trong các hoạt động tuyển sinh, liên kết đào tạo có yếu tố nước ngoài. Tính đến cuối tháng 8, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là hơn 300 triệu đồng; kiến nghị thu hồi các khoản chi sai với tổng số tiền hơn 520 triệu đồng và hơn 12.000 USD.
Trong quý IV/2014, Bộ GD&ĐT sẽ tiến hành thanh tra công tác triển khai nhiệm vụ năm học, công tác tuyển sinh đầu cấp, dạy thêm, học thêm và thu, chi đầu năm tại 8 Sở GD&ĐT; tiếp tục thanh tra công tác bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho giáo viên theo Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020; thanh tra mua sắm, sử dụng bảo quản thiết bị dạy học, đồ chơi trẻ em của giáo dục phổ thông, giáo dục mầm non...
Cùng với thanh tra, công tác tiếp dân được chú trọng, có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng thuộc Bộ trong việc giải quyết đơn thư KN, TC thuộc thẩm quyền. 9 tháng qua đã tiếp 89 lượt, 106 người (5 đoàn đông người), xử lý được 67 vụ việc. Riêng trong tháng 10, đã tiếp 13 lượt (16 người), trong đó 1 đoàn đông người là 4 người dân ở xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh kiến nghị về điều kiện trường lớp đáp ứng yêu cầu học tập của con em nhân dân ở thôn Đông Yên, xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh.
Về đơn thư KN, TC, 9 tháng năm 2014 nhận 817 đơn. Trong đó, 26 đơn thuộc thẩm quyền giải quyết (3 đơn KN, 12 đơn TC, 11 đơn kiến nghị phản ánh). Hiện đã giải quyết 2 đơn KN, 10 vụ TC; đang giải quyết 1 đơn KN, 2 vụ TC tại Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh và Đại học Bách Khoa Hà Nội. Riêng tháng 10, nhận 104 đơn KN, TC, nhưng cũng chỉ có 5 đơn thuộc thẩm quyền giải quyết. 5 đơn này đã được chuyển các vụ, cục, phòng chuyên môn xem xét, giải quyết. Hiện, Bộ GD&ĐT không có đơn thư KN, TC tồn đọng.
Lý giải nguyên nhân dẫn tới KN, TC, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho rằng đó là do người KN, TC không hiểu rõ về thẩm quyền giải quyết của các cấp quản lý nên gửi đơn vượt cấp. Một số địa phương chưa quan tâm đúng mức tới công tác giải quyết đơn thư KN TC. Một số cơ quan chuyển đơn không đúng quy định. Ngoài ra, cũng có trường hợp công dân gửi đơn TC nhiều lần, vượt cấp xuất phát từ bức xúc cá nhân; một số trường hợp lợi dụng quyền TC cố ý TC sai sự thật để nhằm mục đích hạ uy tín của người bị TC.
Dự báo, thời gian tới, Bộ GD&ĐT tiến hành quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại lãnh đạo các đơn vị, vì vậy đơn thư KN, TC sẽ tăng và diễn biến phức tạp.
Để hạn chế tình trạng trên, Bộ GD&ĐT tiếp tục kiện toàn, chuẩn hóa bộ phận tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết KN, TC; tăng cường và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về KN, TC và pháp luật liên quan; giải quyết dứt điểm các vụ KN, TC thuộc thẩm quyền; đảm bảo đúng pháp luật, xử lý kịp thời sai phạm.