Để có thể phát huy được khả năng phản biện của học sinh THPT trong giờ học Văn, ThS Bùi Thế Nhưng cho rằng cần có sự xuất hiện của những điều kiện sau :
Cả thầy và trò phải có tư duy phản biện; học sinh phải có hiểu biết sâu rộng vấn đề; giờ học Văn phải có không khí dân chủ, thân thiện; giờ học Văn phải có tình huống phản biện.
Những phản biện của học sinh có thể đúng, thuyết phục, có thể sai, không thuyết phục, điều đó không quan trọng. Quan trọng là qua phản biện, người học thể hiện tinh thần chủ động, tích cực, sáng tạo của mình. Khoảng cách thầy - trò được rút ngắn.
Bồi dưỡng tư duy phản biện
Theo ThS Bùi Thế Nhưng, tư duy phản biện phải có những bước sau:
Tư duy phản biện không thể có ngay lập tức mà cần có quá trình. Trước hết, công việc này phải làm thường xuyên, liên tục qua tất cả các môn học chứ không phải chỉ có môn Văn. Dần dần mới trở thành thói quen tư duy phản biện.
Đọc và theo dõi cẩn thận những bước đi của luận cứ nhằm xác định các tiên đề và các kết luận mà tác giả luận cứ nêu ra (trong trường hợp theo học một môn học mới, đây cũng chính là các kiến thức mới mà người thầy muốn học sinh tiếp nhận).
Phải đặt ra những câu hỏi nghi vấn như: Tại sao lại như thế? Bản chất vấn đề là gì? Nếu thế này, thế kia thì sao? …
Nếu trong luận cứ, ta thấy không có suy luận mà chỉ là những khẳng định, thì luận cứ chỉ chứa đựng những thông tin, có thể chính xác hay sai lệch; như thế, ta có quyền không quan tâm đến những gì mà tác giả của luận cứ muốn thuyết phục người nghe. Kết luận rút ra từ những luận cứ đó có thể không có sức thuyết phục.
Trong trường hợp kết luận không thuyết phục, có nghĩa là nó mang tính ngụy biện, cần xem xét lại. Có nên chấp nhận những kết luận mà tác giả đã nêu hay không? Đây là điểm mấu chốt của tư duy phản biện.
Bởi vì nếu ta chấp nhận tập hợp các luận cứ, tức là ta hoàn toàn chấp nhận kết luận của tác giả.
Ngược lại, nếu ta phủ nhận những luận cứ này có nghĩa là ta không chấp nhận kết luận. Tức là từ chối hay chấp nhận những kiến thức mới như một thành phần của hệ thống kiến thức mà học sinh cần tích lũy trong quá trình học tập.
Cách đánh giá vấn đề, chấp nhận hay từ chối phải dựa trên kiến thức đã được tích lũy của mình, dựa trên kinh nghiệm và lòng tin cá nhân. Kiến thức phụ thuộc vào môi trường giáo dục, phương pháp giảng dạy của người thầy cũng như phương pháp học tập của học sinh; kinh nghiệm phụ thuộc vào môi trường xã hội và cuối cùng là lòng tin lại phụ thuộc vào môi trường giáo dục gia đình.
Trong quá trình vận dụng tư duy phản biện, bất cứ ở tại thời điểm nào, người học cũng phải sẵn sàng động não, suy luận và đánh giá; những hoạt động này sẽ tạo thành một phong cách tư duy, luôn luôn sẵn sàng lắng nghe, nhưng trước khi chấp nhận bất cứ ý kiến nào, người học phải chủ động phân tích và đánh giá.
Tăng cường rèn luyện kỹ năng phản biện
Kỹ năng phản biện là hệ thống các kỹ năng trong từng khâu của quá trình để đưa ra một phản biện, bao gồm những kỹ năng chủ yếu: Tư duy độc lập; phân tích - tổng hợp; lập luận ; đánh giá …
Có tư duy phản biện mới chỉ là cơ sở thứ nhất để có phản biện. Còn phản biện đạt hiệu quả thuyết phục đến đâu chủ yếu là nhờ vào kỹ năng phản biện. Trong đó, trọng tâm là kỹ năng lập luận phản biện.
Biện pháp này hướng tới tất cả các đối tượng học sinh nhưng chủ yếu là học sinh đại trà vì học sinh đại trà thường yếu kỹ năng này.
Với kỹ năng lập luận, giáo viên hãy khuyến khích học sinh sử dụng các kỹ năng lập luận. Học sinh sẽ học cách nghiên cứu bằng cách đưa ra các lý giải hợp lý cho câu trả lời.
Có nhiều cách luyện tập kỹ năng này như: Những bài tập trình bày một vấn đề; đánh giá và giải thích đánh giá của mình về một vấn đề; tổ chức hệ thống luận điểm theo các trình tự logic khác nhau; tìm kiếm minh chứng cho luận điểm… Lập luận phản biện phải rõ ràng, logic, đầy đủ bằng chứng, tỉ mỉ và công tâm.
Có thể nói lập luận phản biện có vai trò quyết định trong phản biện của học sinh. Và kỹ năng này không phải ngày một ngày hai mà có được mà phải luyện tập trong một thời gian dài, đòi hỏi sự cố gắng và nỗ lực rất cao.
Nếu có phương pháp hợp lý, học sinh sẽ tiến bộ nhanh chóng và sử dụng phản biện một cách sắc bén và hiệu quả.
Bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu theo chuyên đề, tổ chức chuyên đề ngoại khóa
Có nhiều cách bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu cho học sinh như: Hướng dẫn trực tiếp qua các chủ đề tự chọn (1 tiết/ tuần); các buổi bồi dưỡng, ôn luyện; làm các dự án dạy học dưới dạng các bài tập nghiên cứu;
Tổ chức các chuyên đề ngoại khóa; cung cấp tài liệu tham khảo và hướng dẫn cách lĩnh hội; thông qua các cuộc thi; các trò chơi dưới dạng “Đố vui” …
Tùy theo từng đối tượng học sinh mà bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu theo chuyên đề hoặc mảng chuyên đề cho phù hợp. Làm sao cho hiệu quả mà không gây áp lực, căng thẳng cho học sinh.
Cách làm hiệu quả nhất hiện nay, theo ThS Bùi Thế Nhưng là tổ chức các chuyên đề ngoại khóa. Nhiều thì 1 lần/ tháng ; ít thì 2 lần trên /học kì. Tổ chức chuyên đề ngoại khóa sẽ giúp học sinh mở rộng, nâng cao kiến thức theo kiểu “chơi mà học”, rất thoải mái.
Học sinh sẽ cập nhật kiến thức ngay cả trong quá trình chuẩn bị cho chuyên đề, trao đổi giữa bạn bè các nhóm với nhau. Học tập trong lúc diễn ra chuyên đề : học sinh được nghe, trao đổi, đối thoại về những đơn vị kiến thức trong chuyên đề.
Học sinh sẽ hứng thú hơn, phát huy hết thế mạnh của mình. Ngoài bồi dưỡng kiến thức, các chuyên đề ngoại khóa còn rèn luyện cho học sinh kĩ năng trình bày, lập luận một vấn đề theo quan điểm của riêng mình.
Khích lệ, động viên, mở đường
Biện pháp khích lệ, động viên hướng tới tất cả các đối tượng nhưng chủ yếu đối với đối tượng học sinh nhút nhát, ít va chạm, ít tham gia phát biểu, tranh luận, đối thoại.
Những học sinh hay mặc cảm, tự ti, giáo viên vận dụng biện pháp này cũng phải khéo léo, pha một chút dí dỏm càng tốt.
Đây là những biện pháp mang tính hỗ trợ kiểu “giọt nước tràn ly”. Nhiều khi học sinh có tư duy phản biện, có kỹ năng phản biện tốt cùng với kiến thức chuyên sâu rất tốt nhưng do hoàn cảnh, tính cách nhút nhát … mà học sinh không dám hay e ngại phản biện.
Lúc này, sự động viên của giáo viên sẽ giúp các em mạnh dạn, phấn khích hơn, tự tin hơn bước vào cuộc.
Có nhiều kiểu động viên: Động viên thường xuyên, động viên tức thì… Động viên thường xuyên là việc làm thường ngày mỗi khi lên lớp. Động viên tức thì gắn với hoàn cảnh, tình huống cụ thể cần giải quyết.
Những câu nói động viên có thể là động lực thúc đẩy tinh thần học sinh, chẳng hạn: Em có đồng ý như vậy không? Em có ý kiến khác không? Hãy mạnh dạn trình bày ý kiến của em? Thầy sẽ trân trọng ý kiến của em!
Những ý kiến phản biện của các em sẽ được cân nhắc, nếu đúng, hay sẽ được tuyên dương và bổ sung vào bài học; nếu sai thì gạt sang một bên chứ không vì lời nói khinh suất mà trách mắng! Em hãy cố gắng lần sau! …
Việc động viên, khích lệ học sinh phải đảm bảo tính chân thực, tránh sáo rỗng, giả tạo nhưng cũng tránh gay gắt, làm mất cảm hứng học tập của các em.
Thay vì “em nói sai rồi”, “em nói thế không ai chấp nhận” hãy nói : “ý kiến của em chưa thuyết phục lắm”, “em hãy tiếp tục suy nghĩ và cố gắng lần sau”.
Khích lệ là cách làm cho học sinh thấy yên tâm như có đồng minh bên cạnh, để từ đó nói thật những suy nghĩ của mình.
Tạo không khí đối thoại, tự do dân chủ
Bằng cách nào có thể tạo được không khí đối thoại, tự do dân chủ? ThS Bùi Thế Nhưng cho rằng, có nhiều cách, tùy theo từng đối tượng học sinh khác nhau.
Thứ nhất, tạo không khí học tập, kích thích tính tò mò, khả năng khám phá của học sinh.
Thứ hai, hướng vào “đáp ứng” của học sinh, phân loại ý kiến. Chú ý tập hợp thành hai hay nhiều luồng ý kiến đối lập nhau. Đây là cơ sở tuyệt vời để tạo đối thoại.
Thứ ba, khéo léo gợi mở, định hướng để các em có cái nhìn so sánh. Nêu ra lí lẽ và dẫn chứng cần thiết để bảo vệ ý kiến của mình. Giáo viên nên tỏ ra khách quan, công tâm trong phán xét vấn đề. Phải hướng tới tính tối ưu trong giải quyết đối thoại.
Thứ tư, không nên dùng những “đòn phủ đầu” đối với những ý kiến chưa phù hợp. Hãy tỏ ra trân trọng và lắng nghe, hãy để cho các em trình bày trọn vẹn ý kiến của mình. Điều đó giúp các em hiểu rằng, mình đang được học trong một giờ học đầy ắp tính dân chủ.
Biện pháp này có thể vận dụng với tất cả các đối tượng học sinh. Với những học sinh có sự đam mê văn chương thì biện pháp này càng phát huy hiệu quả cao.
Linh hoạt xuất - ẩn
Biện pháp này đề cập đến vai trò của người giáo viên trong giờ học. Có lúc đứng ra làm chủ giờ dạy, có lúc phải “lui vào hậu trường” nhường chỗ cho chủ thể chính hoạt động, lúc này người giáo viên giữ vai trò là người dẫn chương trình – MC cho tiết học.
Việc xuất - ẩn linh hoạt, nhịp nhàng như vậy sẽ tạo những khoảng trống, cơ hội cho học sinh tranh luận, phản biện. Biện pháp này vận dụng với nhiều đối tượng học sinh khác nhau trong tình huống tiết học có tranh luận, phản biện giữa học sinh với học sinh.
Phép thử
Phép thử là cách giáo viên tạo tình huống học tập cho học sinh trong quá trình dạy học nhằm phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo của người học, qua đó đạt mục tiêu giáo dục.
Để vận dụng được biện pháp này đòi hỏi giáo viên phải thật sự có hiểu biết thấu đáo, sâu sắc vấn đề (sự uyên bác cần thiết), thật sự chủ động trong quá trình dạy học. Biện pháp này chỉ nên vận dụng đối với những đối tượng học sinh khá, giỏi và có tinh thần học tập nghiên cứu. Nếu không sẽ thất bại, thành ra “gậy ông đập lưng ông”!
Cách làm cụ thể như sau: Trong quá trình hướng dẫn học sinh học tập, lĩnh hội tri thức của bài học, ở một trường hợp nào đó, giáo viên khéo léo, tinh tế cố ý nói sai vấn đề, hoặc dẫn một ý kiến nào đó chưa thỏa đáng, rồi hỏi “các em thấy thế nào?”.
Nếu học sinh chưa định hình được, giáo viên có thể nhắc lại vài lần, cố ý nhấn mạnh chỗ đã hiểu sai, nói sai để học sinh có phản ứng. Khi học sinh có phản biện đúng vấn đề, có sức thuyết phục thì GV công nhận, bổ sung vào bài học coi đó như là công (sự phát hiện, sáng tạo) của học sinh phản biện.
Trường hợp này, giáo viên có thể phải chịu thiệt thòi một chút nhưng sẽ tạo được hứng thú học tập rất cao cho học sinh. Trường hợp học sinh không phát hiện ra, không có những phản biện thuyết phục thì giáo viên phải gợi ý nhiều hơn, cụ thể hơn, đi gần hơn đến vấn đề.
Biện pháp này sẽ có tác dụng rèn luyện tư duy phản biện, tạo thói quen phản biện cho học sinh.
Phối kết hợp nhiều phương pháp dạy học
Việc phối kết hợp giữa các hình thức, phương pháp, biện pháp, kĩ thuật dạy học khác nhau trong một giờ dạy là cần thiết. Điều đó mang lại sự cộng hưởng tác dụng trong dạy học, nhất là khi chúng ta phát huy được thế mạnh, ưu điểm của từng hình thức, phương pháp, biện pháp, kĩ thuật dạy học.
Sự phối hợp này không phải kiểu hỗn độn như chè thập cẩm mà phải căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể của tiết học như: Nội dung chủ đề, mục tiêu, đối tượng học sinh, thời gian cho phép, các phương tiện hỗ trợ …
Căn cứ vào đó, người giáo viên phải xác định được sử dụng hình thức, phương pháp, biện pháp, kĩ thuật dạy học nào, phối hợp như thế nào thì đạt hiệu quả cao nhất.