GD&TĐ - Nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên là tiêu chí để đánh giá chất lượng đào tạo đại học, nhất là trong bối cảnh hiện nay thực trạng công tác nghiên cứu khoa học trên thực tế số lượng các giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học rất thấp.
Dưới góc nhìn của một giảng viên trẻ, thầy Nguyễn Văn Hiếu (Trường ĐH Thể dục thể thao Đà Nẵng) chia sẻ: Đã có nhiều phân tích về tình trạng yếu kém trong nghiên cứu khoa học của giảng viên từ việc đầu tư cho nghiên cứu khoa học của các giảng viên đến môi trường phục vụ cho nghiên cứu.
Cũng đã có những luồng ý kiến khác nhau về việc từ nhiều năm qua, mặc dù nguồn đề tài không thiếu nhưng vẫn xảy ra tình trạng giảng viên “ngại” đăng ký làm đề tài nghiên cứu khoa học vì nhiều lý do.
Từ sự quản lý nghiên cứu khoa học máy móc, kinh phí hay đăng ký trước đề tài đã tạo ra những kẽ hở không tích cực. Ngoài ra tình trạng các hội đồng khoa học gồm các nhà khoa học không cùng chuyên môn ở một vài hội đồng.
Điều này đã làm cho các nhà nghiên cứu ngay từ bước đầu đã phải đương đầu với hội đồng phản biện không am hiểu về lĩnh vực chuyên môn của minh nghiên cứu, làm giảm động cơ và nhiết tình của họ, nhất là các giảng viên trẻ.
Theo giảng viên Nguyễn Văn Hiếu, giảng viên trẻ là những người đang trong độ tuổi sung sức, có mong muốn và khả năng cập nhật, khám phá tri thức mới, có tham vọng lớn, năng động và không ngại lăn lộn với thực tế.
Nhiều cán bộ trẻ vừa mới trải qua giai đoạn làm nghiên cứu, nên có khả năng làm việc với cường độ cao, tiếp cận được với kiến thức mới nhất và đều mong muốn tiếp tục nghiên cứu phát triển, hoàn thiện vấn đề đang nghiên cứu.
Tuy nhiên, những bất cập ảnh hưởng đến giảng viên trẻ như: Người hướng dẫn, cơ chế hoạt động nghiên cứu khoa học, trang thiết bị, năng lực nghiên cứu (của cả giáo viên trẻ và người hướng dẫn).
Thái độ thiếu tôn trọng giảng viên trẻ có thể được nhìn nhận, xoa dịu đi bằng những lý do mang tính “ban ơn” hoặc “thông cảm” mang tính giả tạo của không ít giảng viên luôn sợ “măng cao hơn tre” đây là một lực cản lớn khiến cho đội ngũ giảng viên trẻ trong trường giảm đi lòng nhiệt tình nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, thu nhập của cán bộ giảng dạy trẻ còn rất thấp, chưa đủ đáp ứng nhu cầu tối thiểu nên một bộ phận cán bộ giảng dạy trẻ, bên cạnh hoạt động chuyên môn còn phải làm thêm để có thêm thu nhập nên chưa quan tâm đến nghiên cứu khoa học.
“Đã đến lúc hoạt động nghiên cứu khoa học cần được nhà trường quan tâm chú trọng, đầu tư và càng là trường đại học nổi tiếng càng phải đầu tư đa bội cho nghiên cứu.
Nghiên cứu khoa học để đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực cho xã hội, mang lại uy tín, vị thế cho nhà giáo - nhà khoa học - nhà trường” - Giảng viên trẻ Nguyễn Văn Hiếu bày tỏ tâm tư.