Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh tiếp công dân tại tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Dung
Chuyển biến tích cực về ý thức trách nhiệm
Trong một thời gian ngắn, Kế hoạch 1130 được TTCP xây dựng nhằm thực hiện Nghị quyết số 30 của Quốc hội, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác tiếp công dân, giải quyết KN,TC ngày 2/5/2012 và của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Văn bản 190/VPCP-KNTN ngày 22/2/2012 về việc tập trung giải quyết các vụ việc KN,TC phức tạp, tồn đọng, kéo dài.
Sau hơn 1 năm thực hiện Kế hoạch 1130, với sự vào cuộc toàn diện của các ngành, các cấp đã có 466/528 vụ việc KN, TC tồn đọng, phức tạp, kéo dài, đạt tỷ lệ 88,26% được xem xét, giải quyết. Có thể nói, việc thực hiện Kế hoạch 1130 tạo ra nhiều chuyển biến tích cực về ý thức, trách nhiệm trong công tác giải quyết KN, TC và mang lại ý nghĩa về mặt kinh tế - xã hội, làm thay đổi nhận thức của toàn xã hội về giải quyết KN,TC. Việc triển khai một cách quyết liệt, đồng bộ của các bộ, ngành và địa phương đã thể hiện sự chuyển biến về ý thức trách nhiệm của cả hệ thống chính trị của địa phương trong công tác giải quyết KN,TC, tạo được sự thống nhất về nhận thức và hành động trong giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài. Kế hoạch đã tạo điều kiện cho các địa phương gắn kết với các ngành T.Ư hiệu quả hơn trên nhiều mặt, tạo sự đồng thuận cao trong giải quyết KN. Đối với người KN, Kế hoạch 1130 cũng là kênh tuyên truyền pháp luật có hiệu quả, từ đó tạo niềm tin của nhân dân đối với chính quyền.
Tuy nhiên, tình hình KN, TC vẫn còn diễn biến phức tạp. Số vụ việc KN đông người vẫn còn nhiều. Ngoài 528 vụ việc, vẫn còn không ít vụ việc tồn đọng chưa được giải quyết dứt điểm. Trước tình hình đó, TTCP ban hành Kế hoạch 2100 tiếp tục kiểm tra, rà soát các vụ việc theo Kế hoạch 1130 và xử lý các vụ việc mới phát sinh. Đồng thời, khẳng định việc kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc KN, TC phức tạp, tồn đọng, kéo dài là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp, các ngành.
Từ kết quả thực hiện Kế hoạch 1130 và 2100 thấy rõ, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về KN, TC trong nhân dân, đặc biệt là trong đội ngũ cán bộ công chức các cấp, các ngành và ngành Thanh tra có sự chuyển biến tích cực. Chất lượng giải quyết KN, TC được nâng cao, nhiều vụ khiếu kiện kéo dài đã được giải quyết dứt điểm, bảo đảm quyền và lợi ích của nhân dân.
Theo đánh giá của TTCP, vẫn còn tồn tại những hạn chế, trong đó có trách nhiệm của các cấp địa phương. Khi phát sinh KN, TC, một số địa phương chưa làm tròn trách nhiệm của mình, thiếu quan tâm giải quyết từ gốc, có nhiều vụ việc giải quyết chậm, thẩm tra, xác minh sơ sài, thu thập chứng cứ chưa đầy đủ, kết luận thiếu chính xác, áp dụng pháp luật cứng nhắc, phương pháp giải quyết thiếu thuyết phục, dân không đồng thuận. Một số lãnh đạo địa phương chưa quan tâm đầy đủ đến công tác tiếp dân và giải quyết KN, TC, phó thác cho cơ quan cấp dưới. Hay còn xảy ra tình trạng ngại va chạm, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, bảo thủ, không mạnh dạn sửa sai hoặc khắc phục sai phạm chậm, chấp hành quyết định của cấp trên chưa nghiêm túc.
Bên cạnh đó là công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục người KN, TC và công tác hoà giải cơ sở chưa được quan tâm thực hiện đúng mức nên có nhiều vụ việc đơn giản nhưng vẫn phát sinh KN, TC vượt cấp…
Tập trung thực hiện Kế hoạch
Trong 10 tháng đầu năm, các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp đã tiếp hơn 270,9 nghìn lượt công dân đến KN, TC , kiến nghị, phản ánh, 3.378 đoàn đông người; tiếp nhận xử lý hơn 101 nghìn đơn thư; giải quyết hơn 23,5 nghìn vụ việc KN, TC thuộc thẩm quyền, đạt trên 71%.
Cũng thông qua việc tiếp dân, các bộ, ngành, địa phương đã giải quyết 23.444/33.104 vụ việc KN, TC thuộc thẩm quyền, đạt 71%. Qua đó, kiến nghị thu hồi cho Nhà nước 32,3 tỷ đồng, 21,8 ha đất, trả lại cho công dân 34,7 tỷ đồng, 84,6 ha đất các loại; trả lại quyền lợi cho 1.681 người, kiến nghị xử lý hành chính 435 người; chuyển cơ quan điều tra 77 vụ.
Tính đến cuối tháng 10 năm 2014, theo Kế hoạch 1130 của TTCP, các cơ quan hành chính Nhà nước đã xem xét, giải quyết 500/528 vụ việc, đạt tỷ lệ 94,7%; 28 vụ đang được tập trung giải quyết, trong đó có 10 vụ việc đang được Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến, 5 vụ việc TTCP đang giải quyết, 13 vụ việc đang được các bộ, ngành, địa phương giải quyết. Đây đều là những vụ việc rất phức tạp, cần phải có thời gian giải quyết để tạo được sự đồng thuận và có phương án giải quyết dứt điểm.
Kết quả kiểm tra, rà soát theo Kế hoạch 2100 của TTCP có 7 địa phương không có vụ việc theo tiêu chí Kế hoạch 2100 gồm: Lào Cai, Lai Châu, Thái Nguyên, Hà Giang, Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Nam. Một số địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch 2100 như Lạng Sơn, Phú Thọ, Hà Nội, Tuyên Quang, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Đồng Tháp, Cần Thơ. Bên cạnh đó, các bộ ngành, địa phương vẫn tiếp tục kiểm tra, rà soát và giải quyết các vụ việc có trong Kế hoạch.
Theo đó, đã kiểm tra, rà soát 532 vụ việc, trong 241 vụ việc đủ điều kiện chấm dứt thụ lý (đạt 45,3%), có 47 vụ việc đã ban hành thông báo chấm dứt thụ lý gồm 14 vụ tiếp khiếu, 187 vụ đang chờ ra thông báo và 7 vụ việc công dân khởi kiện ra toà; các vụ việc khác còn đang xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Từ kết quả đạt được trong thời gian qua, TTCP sẽ tiếp tục tăng cường đôn đốc bộ, ngành Trung ương, địa phương kiểm tra, rà soát giải quyết các vụ việc tồn đọng, kéo dài, phức tạp; phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng xử lý kịp thời các vụ việc mới phát sinh, khiếu kiện đông người, vượt cấp; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ những vướng mắc và thống nhất các biện pháp giải quyết triệt để các vụ việc KN tồn đọng, kéo dài, phức tạp. Trong đó, cần tập trung giải quyết dứt điểm 28 vụ việc theo Kế hoạch 1130 và tiếp tục kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khác theo Kế hoạch 2100.
Bên cạnh đó tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành triển khai Nghị quyết số 39/2012/QH13 ngày 23/11/2012 về việc tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật trong việc giải quyết KN, TC của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai; Chỉ thị số 14 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị…