Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Thái Bình, Ủy viên Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (QH) Đỗ Văn Vẻ.
Đó là khẳng định của Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Thái Bình, Ủy viên Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (QH) Đỗ Văn Vẻ.
+ Thời gian qua, ngành Thanh tra đã đạt được những kết quả khả quan, hoạt động thanh tra được tiến hành, có sự đổi mới trong chỉ đạo, điều hành, triển khai công tác. Dưới góc độ của cộng đồng doanh nghiệp (DN), ông đánh giá như thế nào về nỗ lực trên?
- Nhân dân, cộng đồng DN đánh giá rất cao những kết quả đã đạt được của ngành Thanh tra, đặc biệt là Thanh tra Chính phủ. Phải nói rằng, những năm qua, ngành Thanh tra đã thể hiện trách nhiệm tích cực của mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà QH, Chính phủ, nhân dân giao phó.
Thanh tra đã phát hiện ra hàng nghìn vụ vi phạm, trong đó có những vụ gây chấn động, có tầm ảnh hưởng đến quốc gia. Qua thanh tra, đã kiến nghị thu hồi hàng nghìn tỷ đồng, trên hàng nghìn ha đất, kịp thời ngăn chặn những vi phạm, tiêu cực trong xã hội; đồng thời, giúp cộng đồng DN hoạt động tốt hơn, phát triển hơn.
Không những thế, ngành Thanh tra đã tăng cường công tác quản lý, điều hành, có kế hoạch thanh tra cụ thể để tránh sự chồng chéo, hạn chế nhiều sự phức tạp, gây khó dễ cho DN hay tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật để các tổ chức, DN hiểu biết hơn các quy định của pháp luật.
Điều quan trọng, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, thanh tra đã mạnh dạn làm không nể nang, né tránh hay phân biệt người đó là ai, tổ chức nào, cán bộ thanh tra cũng không ngại khó khăn, sức ép.
Trong các kỳ họp QH, HĐND các cấp ở địa phương, tôi đánh giá cao ngành Thanh tra khi thẳng thắn báo cáo những vụ việc xảy ra, thuận lợi, khó khăn, cũng như hạn chế chưa làm được để QH, Đại biểu QH (ĐBQH) đánh giá khách quan. Ngành Thanh tra, trong đó có cá nhân Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh cũng thẳng thắn trả lời chất vấn, giải đáp những vấn đề thắc mắc của ĐBQH, ĐB HĐND.
+ Có ý kiến cho rằng, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác thanh tra vẫn chưa đạt được yêu cầu, mục tiêu đề ra, ĐBQH, DN vẫn bày tỏ quan ngại?
- Đúng là vẫn còn những việc ngành Thanh tra chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân, DN. Đơn cử như, thời gian thực hiện một số cuộc thanh tra vẫn còn kéo dài, chưa xử lý triệt để, nhất là cuộc thanh tra kinh tế - xã hội lớn, đôi khi, vẫn để lọt những dấu hiệu vi phạm pháp luật. Công tác xử lý sau thanh tra còn có việc xử lý chưa kịp thời, tỷ lệ thu hồi tài sản tuy đã tăng lên nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
Một vấn đề khác, DN chịu sự điều chỉnh của nhiều luật khác nhau, chịu sự quản lý, giám sát của nhiều cơ quan quản lý khác nhau như thuế, hải quan… Trong khi đó, sự phối hợp giữa các cơ quan thanh tra chưa chặt chẽ nên có những DN có nhiều đoàn thanh tra vào làm trong một năm, phần nào làm ảnh hưởng đến hoạt động của DN.
+ Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến sự chưa hài lòng này?
- Có nhiều nguyên nhân. Khi đất nước phát triển mạnh, chính sách, pháp luật mở để hội nhập sâu rộng, liên doanh, liên kết nhiều, hoạt động cạnh trạnh quốc tế lớn, nhiều tập đoàn kinh tế trên thế giới đến Việt Nam đầu tư, kéo theo đó xuất hiện những vi phạm mang công nghệ cao, tinh vi hơn, DN cũng dùng mọi biện pháp để lách luật như chuyển giá… gây khó khăn cho ngành Thanh tra.
Cũng phải nói rằng, ý thức chấp hành của một số DN chưa nghiêm, điều hành chưa đúng quy định của luật mà vẫn làm theo cảm tính nên các vụ việc vi phạm quá nhiều, trong khi đội ngũ cán bộ thanh tra có hạn.
Thêm vào đó hệ thống pháp luật của chúng ta chưa thực sự đồng bộ, có luật ban hành chưa sát với cuộc sống khó thực hiện. Cho nên, khi thanh tra vào cuộc nếu áp theo quy định thì có những mặt đúng, nhưng cũng có mặt chưa thật chặt chẽ. Điều này không chỉ gây khó với DN mà còn khó với ngành Thanh tra.
Chưa kể trong quá trình thanh tra, ngành Thanh tra chịu nhiều áp lực vì DN thực hiện sản xuất kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực nên rất dễ dẫn đến trùng lắp khi xây dựng và triển khai kế hoạch thanh tra.
+ Làm thế nào để công tác thanh tra đạt hiệu quả trong thời gian tới, thưa ông?
- Trong bối cảnh tình hình kinh tế khủng hoảng, cộng đồng DN gặp rất nhiều khó khăn. Chỉ tính vài năm trở lại đây, hàng loạt DN phải đóng cửa, phá sản, có DN cầm cự sản xuất được hàng hóa thì lại không bán được, tồn kho lớn nên rất cần sự chia sẻ của ngành Thanh tra.
Tôi cho rằng, thanh tra không chỉ đơn giản là phát hiện các sai phạm, thu hồi bao nhiều tiền mà quan trọng làm thế nào để thông qua các cuộc thanh tra doanh nghiêp kịp thời khắc phục sai sót để phát triển mạnh hơn, tốt hơn. Vì vậy, ngành Thanh tra cần bám sát hơn nữa chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước để làm thế nào vừa thực hiện tốt công tác thanh tra mà còn hướng dẫn DN thực hiện đúng quy định của pháp luật. Khi xây dựng kế hoạch thanh tra, các ngành có liên quan nên tăng cường công tác phối hợp để tránh chùng lắp, chồng chéo. Nếu có trùng lắp do cùng chức năng, nhiệm vụ quản lý thì phối hợp lập đoàn liên ngành để thực hiện, tranh gây khó cho DN.
Một vấn đề khác, thực tế các sai phạm hiện rất tinh vi, rất khó phát hiện nên có những vụ chưa phát hiện được không phải do thanh tra bao che, lấp liếm mà có thể do chưa tinh thông về nghiệp vụ. Cho nên, bản thân cán bộ thanh tra phải vừa nâng cao nghiệp vụ, vừa trau dồi phẩm chất đạo đức, phát huy hơn nữa truyền thống trách nhiệm của ngành Thanh tra.
Không chỉ với ngành Thanh tra, mà cần phải làm thế nào để những dự luật sát với tình hình thực tế, có như vậy người dân, DN mới dễ thực hiện, mới tạo thuận lợi nhất cho DN đầu tư sản xuất kinh doanh.
+ Xin cám ơn ông!